Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vấn đề vay vốn tự tạo việc làm đối với lao động là người khuyết tật - Những khó khăn, bất cập chủ yếu hiện nay

  • Thực hiện: Ths. Lê Hải Yến
  • 31/08/2019

Hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm đối với người lao động, đặc biệt là đối với lao động người khuyết tật được xem là một trong những giải pháp về chính sách tín dụng khá quan trọng nhằm giúp người lao động có đủ những điều kiện cần thiết và tăng cường cơ hội việc làm. Ở Việt Nam hiên nay, theo số liệu của Bộ Lao động- Thương Binh xã hội thì trong tổng số ngót 08 triệu người khuyết  tật có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Trong đó chỉ có khoảng 15% là lao động làm công, còn lại là lao động nông thôn (87,2%), chủ yếu trong các ngành nghề nông – lâm - ngư nghiệp,…[1] Do vậy, nhìn chung nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm đối với người khuyết tật là rất lớn.

  • Vài nét tóm tắt về chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành đối với lao động người khuyết tật và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khuyết tật

Về mặt chính sách, có thể khẳng định là hiện nay các văn bản pháp luật ở nước ta, từ Luật Việc làm 2014, Nghị định 61/2015/NĐ-CP đến một loạt các văn bản quy định chi tiết khác [2] đã hình thành một khung pháp lý khá toàn diện với nhiều điểm thuận lợi cả về nội dung chính sách cho vay lẫn thủ tục cho vay đối với lao động người khuyết tật, hộ sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật (sau đây xin gọi tắt là lao động/ doanh nghiệp người khuyết tật). Theo đó, người lao động/doanh nghiệp người khuyết tật được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ [3]; thời hạn vay không quá 05 năm và mức vay không quá 50 triệu đối với người lao động; không quá 01 tỷ đối với doanh nghiệp người khuyết tật…Về hồ sơ vay vốn thì riêng lao động là người khuyết tật chỉ cần hai loại giấy tờ và không cần tài sản bảo đảm tiền vay.

  • Những khó khăn, bất cập trên thực tế thi hành chính sách

Trên thực tế, số lượng người lao động là người khuyết tật và doanh nghiệp người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm còn quá ít, số vốn vay cũng khá hạn chế .Ví dụ: Tính đến đầu năm 2018, số lao động người khuyết tật và doanh nghiệp người khuyết tật được vay vốn từ NHCSXH chỉ chiếm 0,08% trên tổng số khách hàng là đối tượng chính sách được ưu đãi vay vốn tại ngân hàng này. Dư nợ của lao động/doanh nghiệp người khuyết tật tại NHCSXH cũng chỉ chiếm 0,07 % trên tổng số dư nợ của NHCSXH .[4]

  • Một số nguyên nhân chủ yếu

Thứ nhất: Nguồn vốn cho vay của NHCSXH còn khá hạn hẹp và chủ yếu là vốn quay vòng

Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm từ ngân sách, mà NHCSXH thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng và nguồn này chủ yếu được bổ sung một phần từ tiền lãi cho vay thu được, nên thực sự mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu vay.[5] Do vậy người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.

Thứ hai, người khuyết tật chưa được bố trí nguồn vốn vay riêng; đa số lao động/doanh nghiệp người khuyết tật khó có khả năng trả nợ hoặc thế chấp, nên một số chi nhánh ngân hàng còn e ngại, không nhiệt tình cho vay trên thực tế.

Hiện nay nguồn vốn dành riêng cho người khuyết tật vay để phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có, nên người khuyết tật rất khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, thực tế là đa phần người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm và thu nhập ổn định nên nhìn chung ngân hàng rất ngại cho vay vì sợ khó thu hồi nợ. Đa số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động là người khuyết tật chủ yếu làm ăn nhỏ lẻ, ít có khả năng thế chấp.[6]

Thứ ba: Điều kiện về hạn mức vốn vay, hạn mức thời gian đối với người lao động/doanh nghiệp người khuyết tật còn tương đối chặt chẽ

Quy định của pháp luật về thời hạn vay và mức vay đối với lao động/ doanh nghiệp người khuyết tật như hiện nay cũng chưa thực sự thông thoáng đối với một số doanh nghiệp người khuyết tật để mở rộng sản xuất.[7]Bên cạnh đó, đa số lao động là người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, dù lãi suất cho vay đã khá ưu đãi so với những đối tượng chính sách khác, nhưng thời hạn 05 năm cũng không hề dễ dàng đối với họ để phát triển sản xuất kinh doanh và kịp hoàn vốn để trả nợ NHCSXH [8]

  Thứ tư: Một bộ phận lao động người khuyết tật còn thiếu thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi hoặc không muốn vươn lên thoát nghèo.

   Một số người khuyết tật hiện nay nhiều người sống khép kín, thụ động nên không phải ai cũng biết đến chính sách ưu đãi về vay vốn tạo việc làm. Bên cạnh đó một số người lao động khuyết tật, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng không có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, họ bằng lòng với cái đang có, dựa vào gia đình chứ không muốn ý thức vươn lên vay vốn để thoát nghèo...[9]

  • Kiến nghị:

Một là, Nhà nước cần quan tâm bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, cùng với những hỗ trợ nhất định từ ngân sách trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần đặc biệt quan tâm, chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để tăng nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn vay, chú trọng huy động nguồn vốn từ các các tổ chức ,cá nhân quan tâm đầu tư và từ các tổ chức tín dụng quốc tế;…để  hỗ trợ nguồn vốn đối với Quỹ quốc gia về việc làm.

Hai là, cần bố trí nguồn vốn riêng cho lao động/doanh nghiệp người khuyết tật. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung  các quy định hiện hành về thời hạn vay và hạn mức cho vay đối với lao động và doanh nghiệp người khuyết tât.,[10] theo  hướng tăng cả thời hạn cho vay và mức vay. Cụ thể: cần tăng thời hạn vay  từ 05 năm lên 10 năm đối với cả lao động lẫn doanh nghiệp người khuyết tật.Về  quy định hạn mức tiền vay với lao động người khuyết tật: nên tăng ít nhất là bằng mức NHCSXH đang cho vay đối với hộ nghèo hiện nay (100 triệu). Bên cạnh đó, hạn mức tiền vay với doanh nghiệp người khuyết tật cũng cần xem xét để tăng cả mức “ trần” cho vay (hiện nay là 01 tỷ) lẫn hạn mức tính theo đầu một lao động người khuyết tật tại doanh nghiệp (nên tăng từ 50 triệu lên 100 triệu/lao động người khuyết tật).

Ba là, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, phổ biến, tư vấn pháp luật về chế độ vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với  người  lao động/ doanh nghiệp người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, trước hết là những hội của người khuyết tật trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức của gia đình người khuyết tật và vận động người khuyết tật còn khả năng lao động mạnh dạn vay vốn tự tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ họ trong quá trình tiến hành thủ tục vay vốn từ NHCSXH. Đồng thời, Giám đốc NHCSXH cũng cần chỉ đạo nâng cao nhân thức của chính cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống NHCSXH trong việc tạo điều kiện tối đa cho lao động/doanh nghiệp người khuyết tật vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Xem thêm ttps://baomoi.com/giai-bai-toan-nguon-von-vay-cho-nguoi-khuyet-tat/c/30111414.epi

[2] Như Thông tư số 15/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ quốc gia việc làm tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ; VB số 3798/NHCS-TDSV ngày 20/11/2015 của Ngân hàng chính sách xã hội;.. 

[3] Tính đến thời điểm hiện nay (2019) thì lãi suất cho vay với hộ nghèo là 5,5% một tháng.

[8] Qua thực tiễn tư vấn pháp luật của Phòng Luật ACDC cho thấy một số NKT ngai vay vốn vì họ cho rằng dù lao động NKT được vay lãi suất thấp, nhưng quy định thời hạn vay 05 năm  để sản xuất kinh doanh sẽ không đủ thời gian  cho họ kịp phát triển sản xuất,hoàn vốn, trả nợ ngân hàng.

[9] https://baotintuc.vn/xa-hoi/van-con-nhieu-rao-can-tao-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-

[10] Liên quan đến sđ, bs NĐ 61/2015/NĐ-CP; VB 3798/NHCS-TDSV ngày 20/11/2015 của NHCSXH hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ việc làm….