Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Không bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích khi người bị hại rút đơn.

  • Thực hiện: Thùy Linh
  • 11/07/2019

Câu hỏi: Em tôi có xảy ra xích mích với một nhóm thanh niên. Trong lúc hai bên cãi vã, em tôi có làm một thanh niên phải nhập viện. Sau đó người này đi giám định thương tật và xác định tỷ lệ thương tật 27%. Gia đình chúng tôi đã đền bù vật chất theo yêu cầu của gia đình người này, gia đình người này đã rút đơn. Vậy xin hỏi trong trường hợp này, em tôi có bị truy cứu trách nhiệm nữa không?  

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:  

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;…”

Như vậy, với trường hợp của em anh/chị mặc dù phía bên kia và em bạn có hành vi đánh nhau nhưng em bạn đã gây thương tích cho họ với tỷ lệ thương tật 27% do đó theo yêu cầu của phía bên bị thiệt hại em anh/chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. 

Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại như sau: 

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Căn cứ những quy định trên, nếu trường hợp của em anh/chị thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự nhưng gia đình người bị hại đã rút đơn nên trường hợp này em anh/chị không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.