Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vấn đề hòa nhập: Tiếp cận và trao quyền cho những người có khả năng

  • Thực hiện: Administrator
  • 18/05/2016

Tháng 12 là tháng mà những người như tôi luôn cảm thấy bận rộn từ hơn 10 năm trở lại đây kể từ ngày tôi biết thế nào là khuyết tật. 15 năm trước, tôi chưa hề biết đến phong trào của người khuyết tật tại Việt Nam.

Tôi cũng chưa hề biết đến thế giới có ngày dành riêng cho người khuyết tật. Đến một ngày bước chân vào phong trào của người khuyết tật, tôi nhận thấy cần phải làm, cần phải hành động để tạo ra sự bình đẳng. Trước kia nghĩ đơn giản, giúp đỡ người khuyết tật có thể chỉ cần cho họ tiền, cho họ vật dụng hàng ngày hoặc chăm sóc nuôi dưỡng họ cả đời là tốt nhất. Hoá ra không phải, giúp người khuyết tật là cho họ sự phát triển hoà nhập phát huy khả năng của họ mới là con đường tốt và bền vững nhất. Vậy làm thế nào là hoà nhập? Làm thế nào nào phát triển bền vững? Làm sao phát huy được sức mạnh của họ? Câu hỏi tốn nhiều giấy mực và cả công sức, tiền của của không chỉ chính phủ Việt Nam mà còn cả các tổ chức của và vì người khuyết tật trong nước và quốc tế.

Nhìn lại lịch sử, kể từ năm 1992 theo nghị quyết số 47/3 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, ngày Quốc tế Người khuyết tật hàng năm đã chính thức có chủ đêề. Mỗi năm có một chủ đề cũng đồng nghĩa với việc gắn liền với chương trình hành động của năm tiếp theo đó. Sự ra đời Ngày Quốc tế Người khuyết tật thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và vận động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Nó cũng góp phần nâng cao nhận thức về các lợi ích có được từ sự hòa nhập của người khuyết tật trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Kể từ ngày Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2006 chính thức ra đời, các chủ đề được thiết lập xoay xung quanh các vấn đề mà Công ước đề cập đến. Năm 2007 chủ đề việc làm bền vững cho người khuyết tật được nêu ra. Với chủ đề này cả thế giới xoay quanh việc tìm ra giải pháp tạo việc làm bền vững chongười khuyết tật . Năm 2008: Công ước về quyền của người khuyết tật: Nhân phẩm và công lý cho tất cả đưa ra khi Công ước 2006 chính thức có hiệu lực với 20 Quốc gia trên thế giới phê chuẩn.Năm 2009, với chủ đề: Thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ hoà nhập: năng cao năng lực/trao quyền cho người khuyết tật và cộng đồng người khuyết tật toàn thế giới đã tạotiền đề liên tiếp cho năm tiếp theo 2010: Giữ lời hứa: Lồng ghép vấn đề khuyết tật vào các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ hướng đến năm 2015 và xa hơn nữa. Năm 2011: Chung tay vì một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người: bao gồm những người khuyết tật trong sự phát triển. Năm 2012: Phá bỏ rào cản để tạo nên một xã hội hoà nhập và tiếp cận cho tất cả; Năm 2013: Phá bỏ rào cản, mở rộng cửa: Vì một xã hội hoà nhập và phát triển cho tất cả. Năm 2014: Phát triển bền vững: Sự hứa hẹn của công nghệ. Năm nay chủ đề Vấn đề hoà nhập: tiếp cận và tăng cường năng lực/trao quyền cho những người có khả năng được đưa ra. Thật khó có thể giải thích rõ trong vài từ ngữ là thế nào là “tiếp cận” và thế nào là “trao quyền cho những người có khả năng”. Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ đề cập đến việc tiếp cận công trình công cộng; giao thông công cộng dành cho người khuyết tật và một số trường hợp điển hình cho việc trao quyền cho những ai có khả năng dù họ có là người khuyết tật hay không khuyết tật. Trên thế giới có trường hợp người phụ nữ đầu tiên vừa mù vừa điếc đã tốt nghiệp trường Luật, đại học Harvard, cô là người phụ nữ đầu tiên của Châu Phi và thế giới có bằng Luật với 2 dạng tật khó khăn nhất. Có một nam giới sinh ra tại Australia không tay, không chân nhưng lại trở thành diễn giả nổi tiếng thế giới, sang Việt Nam vài lần, có người phụ nữ khuyết tật đi xe lăn, luôn cần đến 2 người trợ giúp cá nhân trở thành chuyên gia nhân quyền, cố vấn cao cấp cho Tổng thống Hoa Kỳ…. Nếu không tạo điều kiện cơ sở vật chất tiếp cận cho họ, tin tưởng trao quyền cho họ thì liệu rằng giờ này họ đang ở đâu? Họ có nổi tiếng thế giới không? Chắc chắn câu trả lời là không. Trở về hiện tại trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta đã phê chuẩn Công ướcLiên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật ngày 28 tháng 11 năm 2014, đến nay đã tròn 1 năm, chúng ta đã chuẩn bị gì, đã làm gì để hòa nhập với thế giới?  Ngành xây dựng trong những năm qua đã có những cố gắng vượt bậc trong việc yêu cầu các đơn vị xây mới phải tuân thủ quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng đảm bảo tiếp cận cho mọi người trong đó có người khuyết tật. Mới đây, đại diện của 22 tổ chức của người khuyết tật khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam đã  gửi đơn kiến nghị lên Bộ Xây dựng về việc đảm bảo điều kiện tiếp cận công trình xây dựng dành chongười khuyết tật trong một số điểm cần thiết và liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày của họ như việc cải tạo, sửa chữa và xây mới trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền và đặc biệt chú trọng đến UBND cấp xã phường nơi người khuyết tật hàng ngày tiếp xúc nhằmđảm bảo tiếng nói của người khuyết tật trong việc giám sát, thẩm định việc thiết kế và xây dựng cũng như nghiệm thu công trình công cộng. Giao thông là phương tiện cần thiết của tất cả mọi người trong đó có người khuyết tật. Giao thông cũng chính là cánh cửa mở ra con đường dẫn đến hòa nhập cho người khuyết tật có cơ hội được học tập, làm việc, vui chơi giải trí... Tuy nhiên sau 5 năm thực thi Luật người khuyết tật 2010 cũng như Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật và Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật sử dụng số 62/2014/TT-BGTVT vào ngày 7/11/2014, tình hình giao thông dành cho người khuyết tật vẫn còn rất hạn chế, cụ thể như: phương tiện giao thông công cộng bao gồm hệ thống đường sắt, đường thủy, đường bộ như xe buýt, xe khách liên tuyến, tàu hỏa, tàu thủy, máy nâng; đường dốc dành cho người khuyết tật vận động; ký hiệu hay tín hiệu dành cho người khuyết tật nghe, nhìn vẫn chưa có hoặc chỉ có một vài điểm thí điểm tại các thành phố lớn. Người khuyết tật vận động, người điếc vẫn không được học Luật giao thông đường bộ, không được cấp bằng lái xe trong khi đó tại các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng vẫn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân là xe ô tô. 

Các vấn đề khác như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội…cũng đang có một số vướng mắc và cần giải quyết triệt để để đảm bảo người khuyết tật được sống bình đẳng, hòa nhập và tạo cơ hội cho họ phát huy khả năng của chính họ. Chúng tôi, những người làm trong lĩnh vực về người khuyết tật, vẫn luôn cảm thấy mình làm chưa đủ. Việc giải quyết vấn đề hòa nhập, tiếp cận và bình đẳng cho người khuyết tật không còn là vấn đề của chính những người khuyết tật nữa mà nó là vấn đề của toàn xã hội. Một xã hội hòa nhập và phát triển không thể không có sự đồng hành của tất cả những công dân trong xã hội đó. Nhân ngày quốc tế về người khuyết tật năm nay, chúng tôi  kêu gọi cộng đồng xã hội, các cấp, các ngành hãy cùng chung tay vì một xã hội tốt đẹp hơn, hãy tin tưởng và trao quyền cho những người có khả năng dù họ là người khuyết tật hay không khuyết tật. 

Nguyễn Thị Lan Anh

Giám đốc Trung tâm Hành động vì Sự phát triển cộng đồng (ACDC)