Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thủ tục cấp giấy phép xây dựng

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 28/04/2019

Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Năm 2006, vợ chồng tôi được bố mẹ cho một căn nhà cấp 4 tại thành phố Huế. Nay làm ăn khấm khá hơn nên tôi muốn dành chút tiền để cải tạo và xây tiếp lên 2 tầng từ căn nhà cấp 4 đó. Xin hỏi tôi cần phải làm hồ sơ ở đâu, thủ tục như thế nào thì mới được cấp phép xây dựng?

Phòng Luật Trung tâm ACDC tư vấn:

*Cơ sở pháp lý:

  • Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014.
  • Khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.
  • Điều 102 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BXD.

*Nội dung:

Trước hết, anh chị không thuộc các trường hợp được miễn xin giấy phép xây dựng (quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014), bên cạnh đó, trong trường hợp của anh/chị, anh/chị muốn xây thêm một tầng mới trên nền móng của nhà cấp 4 cũ, do vậy đã làm thay đổi kết cấu chịu lực của ngôi nhà nên anh/chị cần phải xin giấy phép xây dựng theo thủ tục như sau:

  • Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng:

Theo đó, để xin được giấy phép xây dựng, anh cần chuẩn bị hồ sơ gồm những loại giấy tờ như sau:

  1. Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư 15/2016/TT-BXD;
  2. Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, chẳng hạn như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; v.v…
  3. Bản vẽ thiết kế xây dựng;
  4. Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
  • Thủ tục cấp giấy phép xây dựng
  • Bước 1: Nộp hồ sơ

Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nói trên tại UBND cấp huyện nơi chuẩn bị xây dựng nhà ở và muốn xin giấy phép xây dựng.

  • Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp huyện kiểm tra hồ sơ:

+ Ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định.

+ Hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

  • Bước 3: Thẩm định hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, UBND cấp huyện phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, UBND cấp huyện phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo 01 lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.

+ Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

  • Bước 4: Cấp giấy phép xây dựng

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày (tính cả ngày nghỉ, ngày lễ) đối với nhà ở riêng lẻ, trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì UBND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản và thời gian không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.