Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chính sách vay vốn đối với người nghèo

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 16/03/2019

Câu hỏi: Tôi là người thuộc hộ nghèo. Xin hỏi nhà nước có nguồn vốn nào cho người nghèo vay vốn để chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình không? Lãi suất bao nhiêu?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Theo quy định khoản 1 Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thì hộ nghèo thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Căn cứ Điều 13 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và Mục số 4 Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo số 316/NHCS-KH, hộ nghèo phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện sau đây thì được cho vay ưu đãi:

  • Có địa chỉ cư trú hợp pháp (có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trý dài hạn) tại địa phương nơi cho vay được Uỷ ban nhân dân (UBND) xã xác nhận.
  • Có trong danh sách hộ nghèo tại xã, phường, thị trấn theo chuẩn hộ nghèo, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của UBND cấp xã.
  • Hộ vay không phải thế chấp tài sản và được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn nhưng phải là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn, được tổ bình xét, lập thành danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã.
  • Chủ hộ hoặc người thừa kế được ủy quyền giao dịch là người đại diện hộ gia đình chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với Bên cho vay (Ngân hàng chính sách xã hội), là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ Ngân hàng.

Khi đã đáp ứng được những điều kiện nói trên, căn cứ Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/02/2019 về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng chính sách xã hội và Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo số 316/NHCS-KH, chính sách ưu đãi vay vốn đối với hộ nghèo được áp dụng như sau:

  • Mức vay: Tối đa 100 triệu đồng (Điều 1 Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/02/2019 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH);
  • Thời gian vay: Không quá 120 tháng, tương đương với 10 năm (Điều 2 Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/02/2019 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH);
  • Lãi suất: 0,55%/tháng (khoản 1 Điều 1 Quyết định số 750/QĐ-TTg), lãi suất nợ quá hạn: 130% lãi suất khi cho vay (Mục 7-4 Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH).
  • Định kỳ trả nợ, thu nợ, thu lãi (Mục số 12 Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH):

+ Thu nợ gốc: Món vay ngắn hạn: thu nợ gốc một lần khi đến hạn; Món vay trung hạn: phân kỳ trả nợ nhiều lần: 6 tháng hoặc 1 năm một lần do Ngân hàng và hộ vay thỏa thuận.

+ Thu lãi: Thu gốc đến đâu thu lãi đến đó (cùng 1 lần) hoặc thu lãi theo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý do hai bên thỏa thuận.

Tiếp theo, về hồ sơ và quy trình cho vay đối với hộ nghèo được thực hiện theo quy định tại Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH như sau:

  • Về hồ sơ vay vốn: Theo quy định tại điểm a Mục 10-1 Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH, anh/chị cần chuẩn bị Giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu số 01/CVHN).
  • Trình tự: Căn cứ Mục 11 Văn bản hướng dẫn số 316/NHCS-KH, quy trình cho vay được thực hiện theo những bước sau đây:

+ Bước 1: Hộ nghèo tự nguyện gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các tổ chức chính trị xã hội đang tham gia tại địa phương (Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh,…).

+ Bước 2: Hộ nghèo viết giấy đề nghị vay vốn gửi Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.

+ Bước 3: Tổ TK&VV cùng tổ chức Hội, đoàn thể tổ chức họp để bình xét công khai những hộ nghèo đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách trình UBND cấp xã xác nhận là đối tượng được vay và cư trú hợp pháp tại xã để làm hồ sơ gửi NHCSXH.

+ Bước 4: Sau khi có quyết định từ NHCSXH sẽ được thông báo tới hộ nghèo vay vốn và tổ chức giải ngân.

Như vậy, anh/chị có thể liên lạc hoặc trực tiếp gặp các cán bộ Hội tại địa phương để được hỗ trợ thêm về mặt thủ tục.