Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Pháp luật về phòng, chống phân biệt đối xử ở Việt Nam hiện nay

  • Thực hiện: Nguyễn Thị Phương Thanh
  • 03/02/2017

Vấn đề quan tâm đến những nhóm người yếu thế trong xã hội, bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng, phòng, chống phân biệt đối xử luôn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức và cộng đồng xã hội. Đây cũng là yếu tố thể hiện rõ nét nhất tinh thần nhân đạo cũng như mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới “xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Sự cần thiết của việc phòng, chống phân biệt đối xử xuất phát từ những hậu quả của nó gây ra với các cá nhân, cộng đồng và toàn nhân loại. Về phương diện cá nhân, phòng, chống phân biệt đối xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc bảo đảm cho mọi cá nhân được sống trong nhân phẩm và được hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng như được luật pháp quốc tế và quốc gia ghi nhận. Theo nghĩa đó, phòng, chống phân biệt đối xử cũng chính là một biện pháp cơ bản để bảo đảm thực thi các quyền con người. Về phương diện cộng đồng, phòng, chống phân biệt đối xử đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa và xóa bỏ những nguy cơ gây ra với cộng đồng từ sự hận thù, khủng bố, nổi loạn... Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã cảnh báo: Nếu không xóa bỏ được sự kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, quyền được học hành, quyền được tự do đi lại... thì con người không những không hạn chế được dịch HIV/AIDS mà còn làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Phân biệt đối xử đẩy người nhiễm HIV/AIDS vào bóng tối, tạo ra tâm lý thù địch xã hội với nhiều người trong số họ, vì thế họ trở nên rất nguy hiểm với cộng đồng. Do đó, việc chiến thắng đại dịch HIV/AIDS rất cần tinh thần và thái độ không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS của tất cả mọi người, mọi cộng đồng trên toàn thế giới. Ở một góc độ khác, sự phân biệt đối xử làm hạn chế hay ngăn cản một nhóm hay cá nhân nhất định có những đóng góp cho cộng đồng. Ví dụ, trong vấn đề phân biệt đối xử với người khuyết tật, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã tạo ra một rào cản, làm hạn chế sự phát triển và khả năng cống hiến cho xã hội của đối tượng này, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của xã hội.

Về phương diện quốc tế, phân biệt đối xử, đặc biệt trên cơ sở chủng tộc, dân tộc, tôn giáo… đã và đang gây ra những xung đột gay gắt giữa nhiều quốc gia, thậm chí là giữa “các nền văn minh”. Hầu hết các cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra từ thế kỷ XIX đến nay trên thế giới đều liên quan hoặc có nguồn gốc sâu xa từ sự phân biệt đối xử. Phân biệt đối xử có thể coi là một nguyên nhân quan trọng nhất với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, là yếu tố kéo lùi sự phát triển mọi mặt của những giá trị tích cực, tiến bộ và cơ bản của con người, tạo nên một bức tường vô hình kéo rộng khoảng cách giữa các dân tộc và quốc gia trong thế giới ngày nay. Bên cạnh Liên Hợp Quốc, nhiều tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Liên minh châu Âu (EU)... cũng đã ban hành những điều ước quốc tế chống phân biệt đối xử trên một số lĩnh vực.

Thực hiện chủ trương nhất quán của Nhà nước, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các công ước về nhân quyền: Công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng đầu tiên Việt Nam ký kết là Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (CEDAW), Việt Nam ký Công ước này ngày 27/11/1981 và phê chuẩn tháng 02/1982; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966 (ICESCR), Việt Nam gia nhập 02 Công ước này ngày 24/9/1982; Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 02 trên thế giới trở thành thành viên Công ước về quyền trẻ em (CRC) sau khi ký Công ước này tháng 01/1990 và phê chuẩn ngày 20/02/1991. Việt Nam cũng đã phê chuẩn 02 Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em. Ngoài ra, Việt Nam còn là thành viên của một số công ước khác như: Công ước quốc tế về xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1966 (ICERD) và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội Apacthai năm 1973 (Việt Nam gia nhập 02 Công ước này ngày 09/6/1981).

Sau khi tái gia nhập ILO từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 18/188 công ước của ILO, trong đó có 5/8 công ước cơ bản là: Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930; Công ước số 100 về trả công bình đẳng, năm 1951; Công ước số 111 về phân biệt đối xử năm 1958; Công ước số 138 về tuổi tối thiểu năm 1973; Công ước số 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999.

Tính đến tháng 12/2014, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cốt lõi về nhân quyền là: ICERD (ngày 09/6/1982); ICCPR (ngày 24/9/1982); ICESCR (ngày 24/9/1982); CEDAW (ngày 17/02/1982); CRC (ngày 28/02/1990); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT, ngày 28/11/2014); Công ước về các quyền của những người khuyết tật (CRPD, ngày 28/11/2014); và tham gia 02 Nghị định thư tùy chọn của CRC (ngày 20/12/2001). Hầu hết các quy định của pháp luật Việt Nam đều tương thích và phù hợp với nội dung của công ước nên số lượng các văn bản quy phạm pháp luật phải hủy bỏ, thay thế là không nhiều. Đồng thời, nước ta cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hóa một số quy định của công ước phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và toàn diện về phòng, chống mọi hình thức phân biệt đối xử. Mặc dù một số văn bản pháp luật nêu trên của Việt Nam đã có những quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với một số nhóm xã hội, song vẫn còn một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác chưa được đề cập và bảo vệ đúng mức. Thêm vào đó, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan chưa quy định rõ cơ chế để một công dân hoặc tổ chức đại diện cho công dân có thể khiếu kiện vì bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng thời, một số hành vi (dạng) phân biệt đối xử hiện vẫn chưa được nhắc đến trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dẫn tới chưa được ngăn ngừa và xử lý trong thực tế.

Thời gian qua, với việc Chính phủ Việt Nam chấp nhận một số khuyến nghị liên quan đến chống phân biệt đối xử của các quốc gia trong phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (trong phiên UPR lần thứ 2 năm 2013 của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva) đã đặt ra yêu cầu và cơ sở cho việc xúc tiến nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng một luật khung về bình đẳng, chống mọi hình thức phân biệt đối xử với mọi nhóm xã hội ở nước ta. Xét trên lĩnh vực nhân quyền, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và xây dựng một luật riêng về phòng, chống phân biệt đối xử không chỉ giúp Việt Nam hoàn thành cam kết với cộng đồng quốc tế, mà còn là cơ hội để thúc đẩy các quyền con người của mọi người dân một cách thực chất nhất. Trên cơ sở đó, việc hoàn thiện pháp luật phòng, chống phân biệt đối xử ở Việt Nam cần được triển khai theo hướng:

Một là, cần làm hài hòa hơn nữa pháp luật Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế về chống phân biệt đối xử . Để hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam về phòng, chống phân biệt đối xử cần phải xác định rõ cơ sở lý luận và căn cứ để xây dựng là các tiêu chuẩn quốc tế về chống phân biệt đối xử.

Hai là, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết về phân biệt đối xử đặt ra ở Việt Nam, đồng thời tính đến những yếu tố tiềm tàng xảy ra trong những năm tới xuất phát từ bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng, toàn diện vào quốc tế và khu vực.

Ba là, quán triệt các chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước như chính sách về bình đẳng dân tộc, giới, chính sách xã hội, chính sách về tôn trọng, bảo vệ nhân quyền...

Hiện tại, hệ thống pháp luật nước ta về vấn đề phòng, chống việc phân biệt đối xử vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện; tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao; việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được quan tâm đầy đủ; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế; thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu. Nguyên nhân của những yếu kém nêu trên là do chưa hoạch định được một chương trình xây dựng pháp luật toàn diện, tổng thể, có tầm nhìn chiến lược; việc đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ pháp luật và công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn; việc tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu chặt chẽ; ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức và nhân dân còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử còn diễn ra khá phổ biến và chưa có dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, để hoàn thiện pháp luật phòng, chống phân biệt đối xử ở Việt Nam hiện nay cần thiết phải lưu ý những nội dung sau:

Thứ nhất, cần có những nghiên cứu chuyên sâu về tinh thần và nội dung của bản Hiến pháp năm 2013, các điều khoản cụ thể của bản Hiến pháp này cũng như các quy định của các Công ước Liên Hợp Quốc về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, để từ đó, nhận thức và quán triệt đầy đủ các quy định của Hiến pháp và Công ước về quyền con người trong việc xây dựng và sửa đổi các quy định pháp luật tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các cam kết của Việt Nam trong các Công ước về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

Thứ hai, khẩn trương tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành, đặc biệt là các luật đã nêu ở trên, nhằm kịp thời khắc phục những lỗ hổng pháp lý; trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề phòng, chống phân biệt đối xử; phải căn cứ đồng thời vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập mà tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, khẩn trương soạn thảo và ban hành Luật Phòng, chống phân biệt đối xử. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phòng, chống phân biệt đối xử ở Việt Nam; thể hiện được thái độ và sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề này của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, phát huy vai trò của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội trong giám sát việc thực hiện Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR), nhất là thực hiện các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế về vấn đề phòng, chống phân biệt đối xử. Tăng cường sự phối hợp giữa các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội trong việc xây dựng Báo cáo quốc gia về nhân quyền để trình Hội đồng Nhân quyền, nhằm bảo đảm hạn chế tối đa tình trạng phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực xã hội.

Nguyễn Thị Phương Thanh

Trường Trung cấp Luật Đồng Hới