Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Quy chuẩn quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng và thực tiễn gặp phải

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 28/02/2019

Ngày 17/6/2010, Quốc hội ban hành Luật người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật, đồng thời đảm bảo người khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản, được tôn trọng và bảo vệ như mọi công dân khác, trong đó có quyền được tiếp cận công trình công cộng. Cũng từ đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BXD ngày 29/12/2014 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD). Văn bản này đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận công trình của người khuyết tật được nhấn mạnh tại điểm d khoản 1 Luật người khuyết tật 2010.

Quy chuẩn quốc gia đã quy định như thế nào về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng?

Tiếp cận công trình công cộng là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng để có thể hòa nhập cộng đồng[1]. Tiếp cận là bước đầu để xoá bỏ những rào cản từ môi trường vật chất đảm bảo sự hoà nhập của người khuyết tật vào cộng đồng. QCVN 10/2014/BXD quy định các tiêu chuẩn xây dựng công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật như:

Bãi đỗ xe, điểm chờ xe buýt: Trong bãi đỗ xe công cộng và bãi đỗ xe trong các tòa nhà phải có chỗ đỗ xe của người khuyết tật vận động. Tại các điểm chờ xe buýt phải bố trí chỗ ngồi cho người khuyết tật và có khoảng trống dành cho xe lăn.

Đường vào công trình, lối vào: Ít nhất phải có một đường vào đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng và phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn về đường dốc như chiều dài, chiều rộng, độ dốc, tay vịn… như: Độ dốc: không lớn hơn 1/12; Chiều rộng đường dốc: không nhỏ hơn 1 200 mm; Chiều dài đường dốc: không lớn hơn 9 000 mm; Bề mặt đường dốc phải cứng, không được ghồ ghề và không trơn trượt.

Quầy lễ tân và sảnh đón: Phải có ít nhất một quầy lễ tân hoặc nơi đón tiếp dành cho người khuyết tật ứng với mỗi một loại dịch vụ. Số chỗ ngồi dành cho người đi xe lăn không nhỏ hơn 5 % tổng số chỗ ngồi trong công trình và vị trí chỗ ngồi phải ở gần lối ra vào.

Khu vệ sinh: Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về tiểu treo, bệ xí, chậu rửa…

Thoát nạn: phải có hệ thống báo động bằng âm thanh và đèn báo hiệu, phải bố trí khu vực chờ cứu hộ cho người khuyết tật.

Quá trình thực thi Quy chuẩn ra sao?

QCVN 10:2014/BXD được ban hành từ năm 2014, với các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo được sự tiếp cận cho người khuyết tật. Tuy nhiên, sau khi văn bản được ban hành rất ít các công trình đảm bảo các tiêu chuẩn tiếp cận dành cho người khuyết tật[2]. Theo kết quả khảo sát năm 2018 do Hội người khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, sau khi khảo sát 13 công trình công cộng bao gồm bệnh viện, UBND, công viên tại thành phố Quảng Ngãi thì chỉ có 1/13 công trình là cơ bản tiếp cận theo QCVN 10:2014/BXD. Tại Thừa Thiên Huế, năm 2016, 2017 đã khảo sát 53 địa điểm bao gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trụ sở UBND phường, Đại Nội, bưu điện, bến xe, nhà ga và vỉa hè, nhưng không có bất kì một địa điểm nào đảm bảo đầy đủ các tiêu chí tiếp cận theo Quy chuẩn. Tương tự với Bình Phước, sau khi khảo sát 8 trụ sở UBND phường và 02 trung tâm văn hoá tỉnh năm 2016 cũng không công trình nào đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật. Điều này cho thấy, mặc dù chính sách đã được ban hành nhưng việc thực hiện trong thực tế vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân từ đâu?

Mặc dù Luật người khuyết tật đã có lộ trình cải tạo toà nhà chung cư, công trình công cộng từ năm 2010, cùng với việc ban hành Quy chuẩn để làm chuẩn mực cải tạo phù hợp, tiếp cận với người khuyết tật, nhưng đến nay, dường như lộ trình này đang thực hiện với tốc độ quá chậm chạp, nhiều công trình xây dựng sau khi có Quy chuẩn nhưng vẫn chưa tuân thủ theo. Điều này có nhiều nguyên nhân như:

Nhận thức của một số cơ quan chức năng và người dân còn chưa đầy đủ về quyền của người khuyết tật trong tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng: Theo báo cáo khảo sát tiếp cận của Hội người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế, đa phần lãnh đạo UBND phường không biết đến Quy chuẩn này của Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của cơ chế phổ biến chính sách pháp luật tới cộng đồng.

Thiếu ngân sách để xây sửa lại: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nguồn thu của ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn thu từ thuế. Hơn nữa, mỗi địa phương khác nhau lại có những mức thu ngân sách khác nhau, phụ thuộc nhiều từ ngân sách trung ương. Điều này dẫn đến việc thực hiện cải tạo, nâng cấp, hay xây dựng mới đối với các công trình công cộng lấy từ nguồn ngân sách địa phương vẫn còn vấp phải những khó khăn nhất định.

Cơ chế bảo đảm thực thực thi, giám sát hoạt động xây dựng công trình công cộng còn nhiều bất cập: Luật xây dựng năm 2014 quy định nguyên tắc xây dựng công trình phải đảm bảo nhu cầu tiếp cận sử dụng một cách thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật (khoản 3 Điều 4); đồng thời, cũng đã ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi Phê duyệt thiết kế không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia[3], tuy nhiên, còn rất nhiều công trình công cộng xây dựng mới nhưng không đảm bảo Quy chuẩn 10:2014/BXD. Điều này đặt ra câu hỏi cho tính hiệu quả của cơ chế đảm bảo thực hiện pháp luật.

Cơ chế giám sát của người dân, của hội/nhóm người khuyết tật vẫn còn gặp khó khăn: nhiều người khuyết tật, người dân khác trong cộng đồng vẫn chưa nhận thức được tốt vai trò giám sát của mình đối với công trình công cộng đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Ngoài ra, Luật tiếp cận thông tin vẫn còn đang rất mới, cơ chế đảm bảo thực thi đối với quyền tiếp cận thông tin của công dân vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó người dân vẫn chưa thực sự tiếp cận được đến những thông tin về dự án, quá trình xây dựng các công trình công cộng để thực hiện quyền giám sát của mình.

Giải pháp đặt ra là gì?

Trước hết, cần tăng cường phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến tiếp cận công trình xây dựng đến người dân, đặc biệt đối với các đối tượng là cấp nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư, thiết kế xây dựng, đồng thời với đó là phổ biến quyền giám sát việc xây dựng công trình tới người dân. Đặc biệt nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông trong hoạt động phát hiện, đưa tin về những công trình vi phạm quy định của pháp luật về quy chuẩn tiếp cận trong xây dựng.

Cơ quan nhà nước cần đặc biệt gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật về đảm bảo quyền tiếp cận của người khuyết tật đối với các công trình xây dựng: Các bộ cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát cần tăng cường chỉ đạo việc tự kiểm tra, rà soát hệ thống trụ sở cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan mình để chủ động có kế hoạch cải tạo, sửa chữa trụ sở theo QCVN10:2014/BXD. Hàng năm cần chủ động phân bổ ngân sách cho việc cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng xây dựng chưa tiếp cận đối với người khuyết tật.

Cần ban hành các quy định mang tính “cưỡng chế” nhiều hơn đối với các công trình công cộng như: không cấp giấy phép xây dựng cho các thiết kế không đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật; không cho công trình này đi vào hoạt động nếu không đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ QCVN10:2014/BXD, đồng thời áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định thị Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cần nghiên cứu tăng mức chế tài xử phạt của Nghị định bởi mức phạt hiện nay là quá nhẹ dẫn đến các chủ đầu tư “coi thường” quy định của pháp luật.

Tăng cường cơ chế đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân, đặc biệt với người khuyết tật để họ có thể thực hiện được quyền giám sát của mình như: nhanh chóng ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tiếp cận thông tin, trong đó cần quy định rõ đơn vị không đảm bảo tiếp cận thông tin cho người khuyết tật hoặc không cung cấp thông tin khi người khuyết tật yêu cầu đều phải chịu mức phạt xứng đáng. Đồng thời, nên ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo tiếp cận thông tin cho người khuyết tật như tiêu chuẩn xây dựng website, tiêu chuẩn về âm thanh, hình ảnh trên loa, báo, đài…


[1] Xem chi tiết tại khoản 8 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010

[2] Dựa trên kết quả các cuộc khảo sát tiếp cận tại Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi do Hội/nhóm người khuyết tật các tỉnh thực hiện.

[3] Xem tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở