Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH

  • Thực hiện: Ths.Ngô Thị Thu Hằng
  • 20/02/2019

Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 02/01/2019 quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

Thông tư này đã có một số điểm thay đổi so với Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT như sau:

Về phương pháp xác định mức độ khuyết tật:

  • Bỏ quy định chỉ xác định mức độ khuyết tật dành cho trẻ dưới 6 tuổi với dạng khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh – tâm thần.

Về Trách nhiệm của thành viên trong Hội đồng xác định mức độ khuyết tật:

  • Bổ sung quy định về trách nhiệm của Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội: theo đó phải tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về thông tin của người được xác định mức độ khuyết tật nếu người đó đang đi học; mời đại diện cơ sở giáo dục cấp xã nơi đối tượng học tập dự họp xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng (nếu cần thiết).

Về hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật:

  • Làm rõ quy định: Việc nộp Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật...) chỉ khi đối tượng có giấy tờ liên quan đó khi đề nghị xác định mức độ khuyết tật.

Về trình tự, thủ tục thực hiện xác định, xác định lại mức độ khuyết tật:

  • Giảm thời gian thực hiện thủ tục xác định mức độ khuyết tật từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc.

Về trường hợp thực hiện thủ tục cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật:

  • Các trường hợp không phải cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật khi đủ 6 tuổi trở lên là: người mềm nhẽo/co cứng toàn thân, thiếu hai tay, mù 02 mắt hoặc thiếu 02 mắt, liệt hoàn toàn 02 tay hoặc liệt nửa người, có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc một hoặc nhiều loại bệnh: bại não, não úng thuỷ, tâm thần phân liệt.

Về phiếu xác định dạng tật và mức độ khuyết tật:

  • Người đề nghị xác định dạng tật, mức độ khuyết tật ngoài việc phải điền các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ,... thì còn phải hoàn thiện thông tin về dạng tật và mức độ khuyết tật theo hướng dẫn của công chức phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
  • Phiếu xác định dạng tật và mức độ khuyết tật được nhập thành 01 mẫu phiếu chung, theo đó:

+ Bổ sung rối loạn phổ tự kỉ thuộc dạng khuyết tật khác

+ Đối với phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người dưới 6 tuổi: Bổ sung một số trường hợp thuộc mức độ khuyết tật đặc biệt nặng như: liệt hoàn toàn 02 tay hoặc liệt nửa người, có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc một hoặc nhiều bệnh: bại não, não úng thuỷ, tâm thần phân liệt. Bổ sung câm điếc hoàn toàn thuộc mức độ khuyết tật nặng.

+ Đối với phiếu xác định mức độ khuyết tật đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên: Bổ sung phương pháp xác định mức độ khuyết tật, theo đó sử dụng phương pháp quan sát và đặt câu hỏi. NKT đặc biệt nặng nếu có 01 trong những dấu hiệu sau: mềm nhẽo/co cứng toàn thân/ liệt toàn thân, thiếu 02 tay, mù 02 mắt/thiếu 02 mắt, liệt 02 tay/liệt nửa người, có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc 01 hoặc nhiều loại bệnh: bại não, não úng thuỷ, tâm thần phân liệt. Người câm điếc hoàn toàn thuộc mức độ khuyết tật nặng. Đối với các trường hợp không thuộc dấu hiệu trên sẽ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến nhu cầu sinh hoạt hằng ngày để đánh giá mức độ khuyết tật.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/03/2019 thay thế Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT.