Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật

  • Thực hiện: Đinh Thị Cẩm Hà
  • 01/02/2017

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khuyết tật sống nghèo khổ, bị kỳ thị, xem thường, thậm chí bị hành hạ, bị chà đạp phẩm giá... là do họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm và không có nguồn thu nhập cần thiết để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của bản thân. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật sẽ giúp dần xóa bỏ sự kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người khuyết tật trong xã hội. 

 1. Sự cần thiết phải đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật

1.1. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cơ sở để xóa bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật trong xã hội

Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn[1]. Mặc dù do những khiếm khuyết của bản thân khiến cho người khuyết tật gặp khó khăn hơn so với những người bình thường khác khi tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, nhưng giống như tất cả mọi người, người khuyết tật cần phải được đảm bảo sự tự do, bình đẳng, được tôn trọng phẩm giá và được cống hiến, được khẳng định giá trị cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người khuyết tật trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa được hưởng đầy đủ những quyền lợi cơ bản của con người trong đời sống xã hội.Theo số liệu của Liên hiệp quốc, số người khuyết tật hiện chiếm 10% dân số thế giới, trong đó 400 triệu người sống ở các nước châu Á. 80% số người khuyết tật đang sống trong tình trạng nghèo khổ[2]. Ở Việt Nam, kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 65 - 70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội hoặc các tổ chức từ thiện[3]. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người khuyết tật sống nghèo khổ, bị kỳ thị, xem thường, thậm chí bị hành hạ, bị chà đạp phẩm giá... là do họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc làm và không có nguồn thu nhập cần thiết để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của bản thân. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật sẽ giúp dần xóa bỏ sự kỳ thị, thiếu tôn trọng đối với người khuyết tật trong xã hội.  

1.2. Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cơ sở để xóa bỏ sự mặc cảm của bản thân người khuyết tật

Mặc cảm là tâm lý phổ biến ở những người khuyết tật. Rất nhiều người khuyết tật cảm thấy mặc cảm vì nghĩ rằng mình vô dụng, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sự mặc cảm khiến cho nhiều người khuyết tật sống khép kín, hạn chế hoặc không tham gia vào các mối quan hệ xã hội, một số bất mãn, dễ cáu giận đối với mọi người xung quanh, thậm chí có những người đã có những hành động tự hủy hoại bản thân mình. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tâm lý này là do họ không có việc làm và không tạo được nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình.

Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người khuyết tật là cách cơ bản nhất để người khuyết tật nhận ra những khả năng thực sự của mình, đồng thời chứng minh được giá trị của bản thân mình trước mọi người. Ngoài ra, việc người khuyết tật tham gia lao động, làm việc và có thu nhập nuôi sống được bản thân và gia đình còn giúp cho họ có được địa vị bình đẳng hơn trong gia đình và xã hội.

 1.3. Đảm bảo việc làm cho người khuyết tật giúp bổ sung nguồn lực lao động để phát triển kinh tế, xã hội

Theo số liệu thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số gần đây nhất, tính đến ngày 1/4/2009, tổng số dân của Việt Nam là 85.846.997, trong đó tỷ lệ người trong nhóm tuổi 15-64 là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động là 69,1%. Đồng thời, theo Báo cáo thường niên năm 2010 của Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, trong số khoảng 5,8 triệu người khuyết tật hiện nay, số người khuyết tật có khả năng lao động chiếm khoảng 21% (khoảng hơn 1 triệu người). Như vậy, số lao động là người khuyết tật hiện nay chiếm khoảng 2% tổng số lao động cả nước. Con số này cho thấy, lao động là người khuyết tật cũng là một trong những nguồn lao động quan trọng của xã hội, nếu như các chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo điều kiện cho toàn bộ số người khuyết tật có khả năng lao động có việc làm ổn định thì ngoài lợi ích mang lại cho chính bản thân người khuyết tật và gia đình họ, xã hội cũng có thêm nguồn lực phát triển.

Mặc dù các số liệu trên cho thấy, số lượng người khuyết tật có khả năng lao động ở Việt Nam hiện nay là không nhỏ, hầu hết họ đều mong muốn có việc làm phù hợp để nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình, nhưng trên thực tế, theo kết quả bước đầu của nghiên cứu "Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật ở Việt Nam" mà Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Ban Tuyên giáo trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, chỉ có 25,45% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm; 33,7% đã từng có việc làm nhưng hiện thất nghiệp; 40,9% chưa từng bao giờ đi làm[4]. Kết quả này cho thấy một nguồn lực lao động lớn trong xã hội đã bị bỏ qua, không được sử dụng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998, trong đó dành Chương V để quy định về vấn đề dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, sau hơn ba năm thực thi những quy định được cho là có ý nghĩa đảm bảo cơ hội việc làm cho người khuyết thật trong Luật Người khuyết tật, thì thực tế, chung ta chưa đem lại kết quả là giúp cho nhiều người khuyết tật có được việc làm ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.

Nghiên cứu các quy định của Luật Người khuyết tật năm 2010 có liên quan đến vấn đề việc làm cho người khuyết tật, có thể thấy, những quy định này vẫn còn một số bất cập, đó là một trong các lý do khiến cho cơ hội có được việc làm của người khuyết tật vẫn rất hạn chế, số người khuyết tật có việc làm chưa nhiều[5].

2. Một số bất cập của Luật Người khuyết tật trong việc đảm bảo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

2.1. Luật Người khuyết tật hiện hành không quy định việc ưu đãi việc làm cho người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích

 Điều 35 Luật Người khuyết tật năm 2010, tại khoản 1 quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại quy định Điều 34 của Luật này”.

Luật Người khuyết tật hiện hành không quy định việc sử dụng lao động là người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp mà chỉ mang tính chất khuyến khích. Doanh nghiệp sẽ tùy theo điều kiện, khả năng, nhu cầu của mình mà quyết định có nhận người khuyết tật vào làm việc hay không. Nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật thì sẽ được hưởng các chính sách ưu tiên, còn nếu doanh nghiệp không sử dụng lao động là người khuyết tật thì cũng không cơ quan nhà nước nào có thể xử lý.

Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này, vì việc bố trí việc làm cho người khuyết tật ngoài việc làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng nơi làm việc cho người khuyết tật còn có thể làm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu người khuyết tật trong khi làm việc. Vậy nên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc.

Chính vì thế, để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội được nhận vào làm việc trong các doanh nghiệp, ở nhiều nước phát triển tiến bộ, nơi mà xã hội đã có sự khách quan trong việc đánh giá khả năng của người khuyết tật, thì pháp luật vẫn phải ấn định nghĩa vụ cho các doanh nghiệp nhận người lao động khuyết tật. Ví dụ: Bộ luật Xã hội của Đức quy định các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sử dụng ít nhất 20 lao động phải đảm bảo có ít nhất 5% trong số họ là người khuyết tật. Ở Anh Quốc, quy định tỷ lệ này là 3%. Ở Nhật quy định tỉ lệ là 1,8% đối với những công ty tư nhân sử dụng từ 56 lao động trở lên[6]… Các doanh nghiệp không nhận đủ tỷ lệ trên sẽ phải chịu áp dụng chính sách phạt định mức.

Ở Việt Nam, trước đây, Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998 tại khoản 2 Điều 21 đã quy định: “Việc nhận người tàn tật vào làm việc tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức sở hữu được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động”. Theo quy địnhtại khoản 3 Điều 125 Bộ luật Lao động “Chính phủ quy định tỷ lệ lao động là người tàn tật đối với một số nghề và công việc mà doanh nghiệp phải nhận; nếu không nhận thì doanh nghiệp phải góp một khoản tiền theo quy định của Chính phủ vào quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật. Doanh nghiệp nào nhận người tàn tật vào làm việc vượt tỷ lệ quy định thì được Nhà nước hỗ trợ hoặc cho vay với lãi suất thấp để tạo điều kiện làm việc thích hợp cho người lao động là người tàn tật”.

Như vậy, theo quy định này, việc nhận lao động là người khuyết tật là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không trực tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc thì cũng phải có trách nhiệm đóng góp vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật để đảm bảo việc làm cho người khuyết tật một cách gián tiếp. Đây là hướng quy định, theo chúng tôi, là phù hợp với yêu cầu đảm bảo cơ hội việc làm cho người khuyết tật trong điều kiện người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hoàn toàn được những người sử dụng lao động nhìn nhận một cách khách quan về khả năng lao động của họ.

Tuy nhiên, Luật Người khuyết tật hiện hành không còn quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng một tỷ lệ nhất định lao động là người khuyết tật, mà chỉ khuyến khích. Điều này dẫn tới kết quả là sau hơn ba năm thi hành Luật Người khuyết tật, vấn đề cải thiện, tăng cường cơ hội việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam không những không tiến triển tốt hơn mà còn có xu hướng đi xuống. Quỹ việc làm cho người khuyết tật cũng bị giảm nguồn bổ sung do pháp luật không quy định doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không đủ lao động là người khuyết tật phải có trách nhiệm đóng góp cho Quỹ.

Vì vậy, cần sửa đổi Điều 35 Luật Người khuyết tật hiện hành theo hướng quy định rõ trách nhiệm phải nhận người khuyết tật đối với doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật, mặt khác, sẽ có cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp đóng tiền vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật, đảm bảo nguồn tài chính cho việc tạo việc làm cho người khuyết tật.

2.2. Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi trong tạo việc làm cho người khuyết tật còn chưa phù hợp, không khuyến khích được các doanh nghiệp tích cực sử dụng lao động là người khuyết tật.

Điều 34 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp”.

Nếu so với các quy định trước đây thì quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật năm 2010 đã giảm bớt điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thay vì 50% như trước đây là đã được hưởng các chính sách ưu đãi.

Trên thực tế, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật - nhưng dưới 30% tổng số lao động - đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Điều này cũng là một bất cập, gây nên sự không bình đẳng giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật với cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng lao động là người khuyết tật.

Theo chúng tôi, Luật Người khuyết tật và văn bản hướng dẫn cần có quy định nhằm hỗ trợ tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người khuyết tật. Tất nhiên, hình thức và mức độ hỗ trợ sẽ khác nhau tùy theo tỷ lệ người khuyết tật mà doanh nghiệp nhận.

Do đó, cần sửa đổi Điều 34 Luật Người khuyết tật theo hướng quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ cần sử dụng người khuyết tật vào làm việc nhiều hơn tỷ lệ bắt buộc là được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.

 Luật Người khuyết tật vẫn có thể quy định cách hỗ trợ khác nhau giữa doanh nghiệp sử dụng từ 30% lao động là người khuyết tật trở lên với doanh nghiệp sử dụng ít hơn. Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp chỉ sử dụng lao động là người khuyết tật dưới 30% thì không được hưởng chính sách miễn, giảm thuế, nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách miễn cho doanh nghiệp trích nộp bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật, ngân sách nhà nước sẽ bù cho phần đó.

Mặt khác, để khuyến khích hơn nữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh tích cực cải tạo các điều kiện để tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc, Luật Người khuyết tật cần bổ sung nội dung quy định rõ “Nhà nước sẽ hoàn trả các chi phí phát sinh của doanh nghiệp do phải chuyển đổi thiết kế, trang bị đồ dùng, phương tiện đáp ứng cho việc nhận người khuyết tật vào làm việc”, chứ không nên chỉ quy định là “hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật” như hiện nay.

2.3. Luật Người khuyết tật năm 2010 không quy định chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật nặng

Thực tế cho thấy, khi trong gia đình có người khuyết tật nặng thì sẽ có ít nhất một người trong gia đình không thể tham gia lao động bình thường để có thu nhập thường xuyên, do phải chuyên tâm chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ cho người khuyết tật nặng.

Điều 44 Luật Người khuyết tật năm 2010 mới chỉ quy định về việc hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó và người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng mà chưa có một quy định cụ thể nào về chế độ ưu đãi trong lĩnh vực lao động và việc làm cho những người trực tiếp chăm sóc người khuyết tật.

Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho gia đình có người khuyết tật nặng theo quy định của Chính phủ hiện nay còn rất thấp, không đủ để đảm bảo trang trải các nhu cầu cơ bản của gia đình người khuyết tật nặng một cách có chất lượng, trong khi những người nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật nặng bị hạn chế cơ hội làm việc không thể có thu nhập ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đa số gia đình có người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo.

Để đảm bảo thu nhập cho các hộ gia đình có người khuyết tật nặng, Luật Người khuyết tật cần bổ sung những quy định về chế độ ưu đãi trong lao động và việc làm cho người khuyết tật. Cụ thể: Luật Người khuyết tật cần quy định về vấn đề giảm giờ làm việc cho người là lao động chính trong hộ gia đình có người khuyết tật nặng. Trong trường hợp do phải chăm sóc người khuyết tật mà người chăm sóc phải nghỉ làm, thì phải cho hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp./.

 


[1] Điều 2 Luật Người khuyết tật.

[2] http://nguoikhuyettat.com/tin-tuc/chi-tiet/4179/lhq-keu-goi-thuc-day-cac-quyen-cua-nguoi-tan-tat.html. Cập nhật Thứ hai, 25/10/2010, 02:51 GMT+7

[3] Báo cáo tình hình thực hiện Pháp lệnh về Người tàn tật

[4] http://www.nghilucsong.net/tin-tuc/chi-tiet/2009/nguoi-khuyet-tat-can-duoc-doi-xu-tot-hon.html. Cập nhật Thứ ba, 16/09/2008, 10:06 GMT+7

[5] Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)

[6] ILO - Tài liệu hướng dẫn giảng dạy: “Hướng tới cơ hội làm việc bình đẳng cho người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật”, năm 2006, tr 52 – 55. 

 

Đinh Thị Cẩm Hà, ThS. Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, Số 21/2014, tr. 47 - 52