Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 06/02/2019

Câu hỏi: Tôi là người mù. Tôi muốn hỏi về một vấn đề như sau: Trước đây vợ chồng tôi mua được một mảnh đất có diện tích khoảng 105m2, đã được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do chưa có nhu cầu xây dựng nhà ở nên tôi cho thuê làm chỗ để xe của một nhà hàng gần đó. Đến nay tôi có ý định xây nhà thì phát hiện ra thửa đất đó đã bị nhà bên lấn sang đến 10m2. Gia đình tôi nhiều lần gặp họ nhưng không thể giải quyết được. Vậy xin hỏi giờ tôi phải làm nộp đơn xin giải quyết tranh chấp ở phường có phải không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Bước 1: Hòa giải tranh chấp.

            Trước hết, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

            Trong trường hợp các bên hòa giải tranh chấp tại UBND cấp xã nơi có đất, căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 88 của Nghị định số 43/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Cũng trong Điều 202 Luật Đất đai 2013, các bên cần lưu ý về thủ tục hòa giải tranh chấp như sau:

  • Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết.
  • Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã.
  • Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Lưu ý: Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để làm tiến hành thủ tục công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho anh/chị.

Bước 2: Giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành.

            Trong trường hợp việc hòa giải không thành thì sẽ có hai hướng giải quyết theo quy định tại Điều 203 Luật đất đai năm 2013:

  • Thứ nhất, tranh chấp đất đai mà có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 do Tòa án nhân dân giải quyết;
  • Thứ hai, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân.

            Như vậy, từ thông tin mà anh/chị cung cấp, mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết tại Tòa án nhân dân.

            Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

            Về thủ tục giải quyết tranh chấp, anh/chị sẽ thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 186, 190, 191, 195, 205, 210, 217 BLTTDS 2015 như sau:

  • Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất bằng một trong các hình thức: (i) Nộp trực tiếp tại Tòa án; (ii) gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; (iii) gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét đơn kiện, Thẩm phán có thể ra quyết định sửa đổi, bổ sung đơn kiện hoặc thụ lý vụ án.
  • Khi Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án thông báo cho người khởi kiện làm thủ tục nộp tạm ứng án phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp tạm ứng án phí).
  • Trong thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các bên tranh chấp thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án:

+ Trường hợp hòa giải thành: Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có bên tranh chấp nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên tranh chấp. Sau đó, khi bên khởi kiện rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì vụ án tranh chấp được Tòa án đình chỉ giải quyết.

+ Nếu hòa giải không thành thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.