Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Vai trò của dụng cụ chỉnh hình đối với người khuyết tật

  • Thực hiện: Administrator
  • 20/10/2016

Dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng (PHCN) là những dụng cụ có thể hỗ trợ người khuyết tật phục hồi những chức năng đã bị suy giảm, hoặc thay thế những bộ phận cơ thể bị khiếm khuyết. Tuy nhiên, vai trò thực sự của các dụng cụ chỉnh hình PHCN thì không phải người khuyết tật nào cũng hiểu rõ và có cơ hội tìm hiểu về những dụng cụ này.

Các dụng cụ chỉnh hình PHCN có thể bao gồm chân giả, tay giả, nẹp chỉnh hình, áo chỉnh hình, giầy chỉnh hình… Tùy thuộc vào từng loại hình dụng cụ chỉnh hình PHCN khác nhau sẽ có những chức năng khác nhau. Các dụng cụ chỉnh hình PHCN có cùng chung mục đích thay thế một phần cơ thể hoặc hỗ trợ phục hồi chức năng, tuy nhiên chức năng của các dụng cụ này còn phụ thuộc vào mức độ của các phẫu thuật cắt bỏ hoặc phụ thuộc vào người sẽ sử dụng chúng.

Trong những báo cáo so sánh việc giảm mức độ hoạt động giữa người khuyết tật sử dụng chi giả và không sử dụng chi giả, một thực tế nhận thấy rằng việc sử dụng chi giả sẽ giúp duy trì tình hình sức khỏe của người khuyết tật. Những dụng cụ như chân giả, tay giả ngoài việc hỗ trợ người khuyết tật có thể đi lại dễ dàng hơn, sử dụng cánh tay thuận tiện hơn còn giúp làm cân bằng cơ thể, tránh khả năng bị dồn trọng lực cơ thể xuống một bộ phận khác của cơ thể. Các bộ phận trong mỗi cơ thể có những vai trò nhất định trong hoạt động hàng ngày và cũng tạo ra sự cân bằng cho cơ thể. Việc một bộ phận cơ thể bị thiếu hoặc bị yếu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mà còn khiến có cơ thể mất độ cân bằng và ảnh hưởng rất lớn đến các bộ phận khác. Ví dụ, một trong những vai trò của đôi chân sẽ là giữ cân bằng cơ thể và đỡ toàn bộ phần trọng lượng cơ thể bên trên. Khi bị mất một bên chân, giả sử chân trái, toàn bộ trọng lượng cơ thể còn lại sẽ dồn hết về bên chân phải, chân phải sẽ gánh sức nặng cơ thể nhiều hơn gấp đôi so với bình thường. Sau một thời gian không có sự hỗ trợ của chân giả, chân phải sẽ bị suy yếu đi một cách nhanh chóng, dẫn đến tuổi thọ của chân sẽ không thể duy trì lâu được, chưa kể đến việc tác động với những phần khác của cơ thể. Với việc sử dụng chân giả, người khuyết tật có thể giảm được áp lực dành cho chân phải và nâng cao tuổi thọ của chân. Bên cạnh đó, tình trạng tim mạch của người khuyết tật sử dụng chi giả sẽ được duy trì thông qua việc đi bộ, đạp xe…

 

Một tác dụng nữa của việc sử dụng chi giả là sẽ giúp người khuyết tật giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của hiện tượng “chi ma”. Đau chi ma là đau sau khi đã bị cắt mất chi mà bệnh nhân vẫn bị đau như còn chi đó. Cảm giác chi ma là cảm giác phần chi bị cắt mất như vẫn còn, gồm: nóng rát, cảm giác kiến bò và chuột rút.

Đôi khi những dụng cụ này là có nhiệm vụ bù đắp một số tính năng còn thiếu ví dụ như đối với những người mắc bệnh tê liệt các cơ bắp đùi thì họ sẽ không thể duỗi thẳng chân; nẹp chỉnh hình sẽ giải quyết vấn đề này cho họ. Các dụng cụ chỉnh hình cũng được sử dụng để sửa chữa một vị trí hoặc tránh những biến dạng trong tương lai. Đó là áo chỉnh hình dành cho các trường hợp vẹo cột sống hay gù cột sống. Nhưng đôi khi cũng dùng cho đầu gối, đặc biệt là cho trẻ em để sửa các dạng khuyết tật như "bàn chân khoèo", hoặc cho bàn chân và cổ tay sau khi bị đột quỵ, như các khớp bị tê liệt có xu hướng sai vị trí sẽ ảnh hưởng đến chức năng của người khuyết tật sau giai đoạn phục hồi. Giày chỉnh hình và lót giày y tế cũng được coi là một trong các loại dụng cụ chỉnh hình. Chức năng của chúng có thể là một trong những chức năng đã đề cập ở trên, ngoài ra các dụng cụ này cũng có vai trò tạo ra sự thoải mái và giảm đau như trong trường hợp của một người bị biến dạng bàn chân.

Một trong những lý do cho việc không sử dụng cụ chỉnh hình PHCN là người khuyết tật tránh được những cảm giảm khó chịu, không thoải mái, và đôi khi dụng cụ chỉnh hình PHCN còn gây khó khăn hơn cho người khuyết tật khi mới sử dụng. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề một cách lâu dài và mức độ ảnh hưởng đối với sức khỏe của người khuyết tật, việc sử dụng dụng cụ chỉnh hình PHCN sẽ các ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của người khuyết tật. Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng 60% người khuyết tật vận động không sử dụng dụng cụ chỉnh hình PHCN gặp các vấn đề như viêm gân, viêm bao hoạt dịch và viêm khớp. Việc giảm các hoạt động ở chân và tay, người khuyết tật dễ gặp phải các vấn đề trong việc tăng cân, khó khăn trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường và cao huyết áp, và tình trạng tim mạch xấu đi. Phù nề dưới chân mãn tính có thể dẫn đến nhiều vấn đề với lưu thông tĩnh mạch và loét ứ. Ngồi quá nhiều sẽ gây ra vấn đề co cứng hông và co cứng đầu gối, có thể rất đau đớn khi di chuyển.

Hiện nay, nhiều người khuyết tật vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của dụng cụ chỉnh hình PHCN trong cuộc sống cũng như bảo vệ sức khỏe lâu dài. Chi phí cao cũng là một e ngại để người khuyết tật chưa tìm đến với các dịch vụ này và sử dụng chúng như một bộ phận của cơ thể. Với những phân tích trên đây về tác dụng và hệ quả của việc sử dụng/không sử dụng dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng sẽ phần nào giúp cho người khuyết tật nhìn nhận đúng vai trò và sự cần thiết của dụng cụ này trong cuộc sống.

Minh Tâm

Tài liệu tham khảo:

1. Nicholas LaRaia, PT, DPT, NCS, 2010, “Ask the Physical Therapist: What are some of the Long – Term Physical Effects of Using or Not Using a Prosthesis?”, inMotion Magazine, Số 20.