Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Đăng ký giám hộ cho người chưa thành niên

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 29/12/2018

Câu hỏi: Dì ruột tôi đã mất có một người con năm nay 7 tuổi bị khuyết tật trí tuệ, hiện nay cháu không còn ai chăm sóc (dì tôi làm mẹ đơn thân, ông bà ngoại đã mất từ lâu) nên mẹ tôi muốn đón về nuôi dưỡng và đăng ký làm người giám hộ. Xin tư vấn cho cho mẹ tôi biết thủ tục.

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì những người được giám hộ bao gồm những trường hợp sau đây:

  • Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
  • Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
  • Người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Như vậy, cháu bé thuộc đối tượng người được giám hộ vì không còn mẹ và không xác định được cha.

Bên cạnh đó, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên theo quy định tại Điều 52 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì thứ tự người giám hộ được nhiên của người chưa thành niên không còn là: anh ruột hoặc chị ruột; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột.

Do đó, trong trường hợp này, mẹ của chị là bác ruột của cháu bé được xác định là người giám hộ đương nhiên.

Mẹ của anh/chị có đủ điều kiện của cá nhân làm người giám hộ theo quy định tại Điều 49 Bộ Luật Dân sự năm 2015, bao gồm:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  • Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
  • Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
  • Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Khi mẹ của anh/chị đáp ứng đủ các điều kiện nói trên thì mẹ của anh/chị có thể đăng ký làm người giám hộ đương nhiên của cháu bé.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Hộ tịch năm 2014 Để đăng ký giám hộ đương nhiên, trước hết, mẹ của anh/chị cần chuẩn bị hồ sơ gồm những loại giấy tờ như sau

  1. Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP;
  2. Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự: Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009;
  3. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên là mẹ của anh/chị.

Theo quy đinh tại Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ thì mẹ của anh/chị nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cháu bé cư trú hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mẹ của anh/chị đang cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho mẹ của anh/chị.