Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Chồng tôi là công nhân xây dựng và đã tham gia BHXH bắt buộc được hơn 6 năm

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 23/11/2018

Chồng tôi là công nhân xây dựng và đã tham gia BHXH bắt buộc được hơn 6 năm. Hai tháng trước, chồng tôi bị tai nạn khi đang thi công tại công trường trong giờ làm việc với mức suy giảm khả năng lao động là 82%. Vậy, chồng tôi có được hưởng chế độ gì không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

  1. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:

  • Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động.

Theo thông tin chị cung cấp thì chồng chị bị tai nạn lao động tại công trường trong thời gian làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng với mức suy giảm khả năng lao động là 82%. Có thể thấy, trường hợp này đã thỏa mãn các điều kiện để hưởng chế độ tai nạn lao động của BHXH.

  1. Chế độ người lao động được hưởng khi bị tai nạn lao động

Căn cứ theo khoản 1 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong trường hợp này, chồng chị bị tai nạn lao động với mức suy giảm khả năng lao động là 82% nên thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Về mức trợ cấp hàng tháng, căn cứ khoản 2 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì: Người lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Do đó, mức trợ cấp hàng tháng mà chồng chị được hưởng sẽ được tính như sau;

  • Với mức suy giảm 31% khả năng lao động đầu tiên thì chồng chị được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở;
  • Với mức suy giảm 51% khả năng lao động còn lại thì chồng chị được hưởng bằng 51% x 2 = 102% mức lương cơ sở.

Như vậy, tổng mức trợ cấp hàng tháng mà chồng chị được hưởng là 30% + 102% = 132% mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 72/2017/NĐ-CP là 1.390.000 đồng/tháng. Do vậy, trợ cấp một tháng mà chồng chị nhận được bằng 1.390.000 x 132% = 1.834.800 đồng/tháng.

Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hằng tháng chồng chị còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH. Do chồng chị đóng BHXH được 06 năm nên với 01 năm đầu tiên đóng BHXH thì chồng chị được hưởng 0,5%, với 5 năm còn lại đã tham gia BHXH thì chồng chị được hưởng 5 x 0,3 = 1,5% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Do vậy, hàng tháng chồng chị sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp bằng 2% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Như vậy, chế độ tai nạn lao động mà chồng chị được hưởng bao gồm: Trợ cấp hàng tháng và trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH.

  1. Thủ tục giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động

Để được giải quyết chế độ tai nạn lao động, chị cần cung cấp cho công ty nơi chồng chị đang làm việc những loại giấy tờ sau theo quy định tại Điều 57 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 và Mục 1 Công văn 3647/BHXH-CSXH hướng dẫn thực hiện chế độ tai nạn lao động:

  1. Sổ BHXH của chồng chị;
  2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp chồng chị điều trị nội trú.
  3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

Sau khi cung cấp đủ các loại giấy tờ nêu trên, công ty nơi chồng chị đang làm việc sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.