Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Trong lúc đang làm việc do sơ suất, tôi làm hỏng 01 chiếc laptop của công ty có trị giá 15 - 20 triệu đồng

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 25/10/2018

Trong lúc đang làm việc do sơ suất, tôi làm hỏng 01 chiếc laptop của công ty có trị giá 15 - 20 triệu đồng. Công ty ra quyết định yêu cầu tôi bồi thường bằng bốn tháng tiền lương của tôi bằng việc khấu trừ 45% tiền lương mỗi tháng sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân của tôi. Vậy tôi muốn biết, công ty tôi làm thế có đúng không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 thì do anh/chị sơ suất làm hư hỏng máy tính là tài sản của Công ty nên anh có trách nhiệm bồi thường cho Công ty. Căn cứ theo khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2012 thì Công ty anh/chị có quyền được khấu trừ tiền lương của anh/chị để bù đắp thiệt hại vật chất cho Công ty.

Tuy nhiên, căn cứ để xác định thời gian bồi thường bằng tiền lương của anh/chị được quy định tại Điều 130 Bộ luật Lao động 2012, cụ thể là: Trong trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với trị giá không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố, được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiêù nhất là 03 tháng tiền lương. Căn cứ theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng dao động trong khoảng từ 2.760.000 đồng/tháng đến 3.980.000 đồng/tháng. Do đó, giá trị của chiếc laptop là 15 - 20 triệu đồng còn thấp hơn rất nhiều so với 10 tháng lương tối thiểu vùng ở mức thấp nhất (10 x 2.760.000 = 27.600.000 đồng). Do vậy, Công ty yêu cầu anh/chị bồi thường 04 tháng tiền lương là trái với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ vào Điều 101 và Điều 130 Bộ luật Lao động 2012 thì Công ty anh/chị chỉ được khấu trừ hàng tháng vào lương và không quá 30% mức tiền lương hàng tháng sau khi trích nộp các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập (nếu có). Như vậy, mức khấu trừ 45% tiền lương hàng tháng cũng là không đúng.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, anh/chị có thể thực hiện những phương thức sau:

            Trong trường hợp này, anh/chị có thể thông báo vụ việc với tổ chức công đoàn của công ty nơi anh/chị đang làm việc để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012, Công đoàn đóng vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do đó, khi quyền lợi của anh/chị bị xâm phạm, công đoàn sẽ trực tiếp gặp người sử dụng lao động (người đã ký kết hợp đồng lao động với anh/chị) để đối thoại, trao đổi và yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật về thời gian bồi thường và mức khấu trừ tiền lương hàng tháng.

            Ngoài ra, anh/chị vẫn có quyền được khiếu nại đối với hành vi trái pháp luật của công ty, cụ thể là khiếu nại hành vi yêu cầu người lao động thực hiện pháp bảo đảm bằng tiền để thực hiện công việc. Căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5; khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 15; Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015:

  • Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được hành vi trái pháp luật của công ty, anh/chị có thể trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại đến người đã trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với anh/chị (đại diện công ty).
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, công ty có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu nói trên mà công ty không giải quyết khiếu nại hoặc anh/chị không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty, anh/chị có quyền khởi khiện vụ án tại Tòa án hoặc tiếp tục khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.