Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tôi là người khuyết tật đang làm việc tại một Công ty máy tính

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 24/10/2018

Tôi là người khuyết tật đang làm việc tại một Công ty máy tính. Tháng trước, công ty có bị mất một số sản phẩm và họ nghi ngờ tôi lấy trộm do có vài hôm tôi ở lại làm việc muộn. Hiện công an đang điều tra vụ việc, dù chưa có kết quả nhưng Công ty đã ra quyết định đuổi việc tôi. Xin hỏi Công ty làm như vậy có đúng không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Căn cứ theo khoản 4 Điều 123 Bộ luật Lao động năm 2012 thì không được xử lý kỉ luật sa thải đối với người lao động đang trong thời gian chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra và xác minh và kết luận người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động…

Đối chiếu với trường hợp này, công ty không thể xử lý kỷ luật anh/chị về hành vi trộm cắp tài sản bằng hình thức sa thải vì đang trong thời gian điều tra, xác minh của cơ quan Công an. Do đó, quyết định sa thải của công ty anh/chị là vi phạm pháp luật lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho mình, anh/chị có thể các phương thức sau:

Trước hết, anh/chị có thể thông báo vụ việc này với tổ chức công đoàn của công ty nơi anh/chị đang làm việc để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012, Công đoàn đóng vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do đó, khi quyền lợi của anh/chị bị xâm phạm, công đoàn sẽ trực tiếp gặp người sử dụng lao động (người đã ký kết hợp đồng lao động với anh/chị) để đối thoại, trao đổi và yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật (hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật và buộc phải nhận anh/chị trở lại làm việc).

Ngoài ra, anh/chị vẫn có quyền được khiếu nại đối với quyết định trái pháp luật của công ty, cụ thể là khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật sa thải người lao động khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 5; khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 15; Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP và khoản 3 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015:

  • Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trái pháp luật của công ty, anh/chị có thể trực tiếp khiếu nại hoặc gửi đơn khiếu nại đến người đã trực tiếp có quyết định (đại diện công ty).
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, công ty có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu nói trên mà công ty không giải quyết khiếu nại hoặc anh/chị không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của công ty, anh/chị có quyền khởi khiện vụ án tại Tòa án hoặc tiếp tục khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty anh/chị đang làm việc đặt trụ sở chính theo quy định tại khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.