Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Tôi bị khuyết tật ở chân, tôi có kí hợp đồng với một Công ty thêu ở địa phương

  • Thực hiện: Hương Thảo
  • 22/10/2018

Tôi bị khuyết tật ở chân, tôi có kí hợp đồng với một Công ty thêu ở địa phương. Trong hợp đồng nêu rõ, công việc là làm thợ thêu thùa và làm việc tại Công ty trong 10 tháng. Tuy nhiên, khi tôi đến nhận việc thì họ giao cho tôi quản lý kho nguyên vật liệu cách công ty 20km gây khó khăn đi lại cho tôi. Nay tôi muốn nghỉ làm có bị phạt hay phải bồi thường gì không?

Phòng Luật Trung tâm ACDC trả lời:

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 về các loại hợp đồng thì hợp đồng mà anh/chị kí với Công ty thêu ở địa phương được xác định là hợp đồng theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Theo điểm a khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 thì anh/chị có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “ ...Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp không được bố trí theo đúng công việc và địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng...”.

Có thể thấy, công việc mà anh/chị thoả thuận với Công ty thêu là làm thợ thêu thùa nhưng Công ty lại sắp xếp cho chị công việc khác không đúng với công việc trong thoả thuận. Về địa điểm làm việc trong hợp đồng là tại Công ty nhưng địa điểm thực tế là tại kho hàng cách Công ty 20km. Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì anh/chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật mà không phải bồi thường cho Công ty. Anh/chị tiến hành thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động (là người đã trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với chị) ít nhất là 03 ngày làm việc (điểm a khoản 2 Điều 37 Bộ luật lao động 2012)

Nhưng trước hết, anh/chị có thể thông báo việc này với tổ chức công đoàn của công ty nơi chị đang làm việc để bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và Luật Công đoàn 2012, Công đoàn đóng vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do đó, khi quyền lợi của anh/chị bị xâm phạm, công đoàn sẽ trực tiếp gặp người sử dụng lao động (người đã ký kết hợp đồng lao động với anh/chị) để đối thoại, trao đổi và yêu cầu công ty thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng về nội dung công việc và địa điểm làm việc.