Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Nhận thay trợ cấp xã hội, chuyện có dễ?

  • Thực hiện: Trần Thủy
  • 31/10/2017

Trước mắt tôi lúc này vẫn nguyên khung cảnh  người già, trẻ nhỏ, đến thương binh và người khuyết tật ngồi la liệt từ cổng vào tận bên trong sân bưu điện xã giữa tiết trời oi nóng để đợi nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Đây là lần đầu tiên tôi tới đây để nhận tiền trợ cấp giúp người anh mất hai chân phải ngồi xe lăn sau tai nạn. Sau khi biết người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng được Nhà nước trợ cấp hàng tháng theo mức quy định, gia đình chúng tôi đã đi làm hồ sơ giấy tờ cho anh tôi. Phải mất gần 2, 3 tháng, anh tôi mới nhận được quyết định hưởng tiền trợ cấp. Mấy hôm trước loa xã có thông báo mọi người mang giấy tờ lên bưu điện xã để nhận trợ cấp. Tôi chưa từng nhận trước đó nên chỉ thấy bà con trong xã xôn xao lên vì thay đổi này.

Vì nhà khá xa Ủy ban nhân dân (UBND) nên tôi phải dậy sớm để đi, chỉ mong nhận nhanh còn tranh thủ về cấy nốt mấy sào ruộng. Đang mùa cấy mà xã gọi lên nhận tiền trợ cấp làm bà con sốt ruột lắm. Bưu điện xã tuy đã xây sửa lại nhưng cũng chỉ có một gian nhà hẹp với 1 bàn của nhân viên trực ở đó.  Mọi người ngồi đợi tràn cả ra sân vì phòng hẹp không có chỗ ngồi cho quá 10 người. Trời nắng tháng 7 mà ai cũng phải trùm áo, mũ ra ngồi ở cổng hoặc gốc cây, đợi cán bộ gọi đến tên mình thì vào. Nhiều bà con bức xúc vì mọi lần nhận tiền trợ cấp ở UBND có cả hội trường xã rộng rãi để ngồi đợi, có nhiều cán bộ cùng làm nên ai nấy đều được việc. Giờ chuyển qua bưu điện xã vừa chật chội lại không có chỗ cho mọi người ngồi. Có ông đi nạng, mất một chân cứ đứng tấp tểnh, chỉ chực có ghế trống để ngồi mà không được. Nhìn cảnh đó, tôi thầm nghĩ may mà anh trai tôi không phải đi lên tận nơi để nhận tiền. Thế nhưng tới lượt mình tôi mới biết là thủ tục giấy tờ không đơn giản. Biết tôi đi nhận thay người khuyết tật, họ yêu cầu tôi đưa đủ ba loại giấy là Giấy xác nhận khuyết tật, giấy chứng minh nhân dân của tôi và giấy ủy quyền. Tôi giật mình vì chưa từng nghe đến giấy ủy quyền, thậm chí tôi chưa từng nhìn thấy hình thù của tờ giấy. Vì đông người nên cán bộ cứ nhăn nhó khi tôi lúng túng không xuất trình đủ giấy tờ. Tôi tế nhị giải thích thì cô ta lạnh lùng bảo, về chuẩn bị đủ giấy thì lên lĩnh tiền rồi nói người tiếp theo. Tôi vừa ngại vừa giận vì không biết phải chuẩn bị như thế nào đã bị đuổi ra. Có bác tốt bụng đưa cho tôi một mẫu giấy ủy quyền tự viết. Tôi cầm và vội vàng xin tờ giấy chép tay lại. Lúc sau tôi tranh thủ vào hỏi mẫu đã chuẩn chưa thì chỉ nhận được vẻ mặt thờ ơ của cán bộ, chị ta nói: “Tôi chỉ là nhân viên bưu điện nên không biết gì về mẫu ủy quyền. Chị muốn hỏi thì qua bên UBND gặp cán bộ xã mà hỏi. Giờ chưa có giấy tôi chưa trả tiền cho chị được”. Nghe đến đó, tôi biết mình sẽ phải về nhà làm lại xuất trình giấy tờ. Đợt đó vì không kịp làm giấy ủy quyền nên tôi chưa lĩnh được tiền, đợi đến tháng sau lĩnh một thể. Vậy mà hôm đó người trả tiền cho bà con lại là một người khác, họ nhìn giấy ủy quyền của tôi thì bảo là không chuẩn theo quy định nên bắt tôi làm lại theo mẫu họ đưa. Anh ta đưa cho tôi một tờ giấy và yêu cầu tôi về làm lại với đủ chữ kỹ của tôi và anh tôi. Lúc đó tôi thực sự mất bình tĩnh, không lẽ một mẫu giấy cũng không quy định rõ ràng để chúng tôi phải khổ? Giờ anh tôi đang nằm ở bệnh viện tỉnh, việc đến đó lấy chữ ký của anh tôi sẽ tốn rất nhiều thời gian. Tôi nhớ ra là tôi có mang hộ khẩu gia đình, tôi vội đưa cho họ xem, hi vọng họ chấp nhận tôi đủ tư cách. Thế nhưng họ chỉ nhìn qua rồi nói: “Chúng tôi cần giấy ủy quyền, chị không hiểu vấn đề à?”. Cơn tức của tôi bị đẩy lên cao, tôi là lao động duy nhất trong nhà lúc này với bao việc phải làm mà lần nào lên nhận tiền cũng không được dù ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và đợi dài đến tận 10 giờ trưa.

Quá mệt mỏi, tôi dắt xe ra về, trong đầu tôi mông lung không biết lần thứ ba lên đây có được việc hay không. Giá như tất cả các mẫu giấy tờ, thủ tục liên quan đến nhận trợ cấp của người khuyết tật được thông báo đầy đủ và niêm yết rõ ràng tại trụ sở UBND xã và cả trụ sở Bưu điện thì chúng tôi đã không vất vả như vậy. Số tiền trợ cấp tuy không nhiều nhưng chúng tôi luôn trân trọng, chỉ mong những cơ quan và cán bộ có trách nhiệm thông tin đầy đủ các thủ tục, giấy tờ cần thiết để người khuyết tật và người thân của họ đỡ vất vả như trường hợp của gia đình tôi.