Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cánh cửa hi vọng

  • Thực hiện: Trần Thủy
  • 25/04/2018

 “Cháy, cháy, cháy…”

Tiếng hô hoán vang lên từ phía nhà bác Năm cuối ngõ. Lẫn trong tiếng người cứu cháy là tiếng cười hềnh hệch của con trai bác Năm – anh Khía khi nhìn thấy ngọn lửa cháy bùng lên trong đêm. Dưới ánh trăng mờ cuối tháng, gương mặt bác Năm co rúm lại vì đau khổ. Bà con chạy náo loạn lấy nước cố dập tắt ngọn lửa đang chiếm gần hết căn bếp nhà bác. Từ xa, chị dâu bác Năm chạy tới túm tay áo em trai mình giật giật, miệng nói: “Đã bảo là cho cái thằng thần kinh này vào viện từ lâu rồi mà không nghe, giờ thì suýt chết cháy cả lũ”. Bác gái ôm con khư khư và luôn miệng nói: “Nó không điên, tôi sẽ trông nó cẩn thận, không thể cho nó vào trại được”. Bác Năm cố nén sự hoảng loạn, gằng giọng: “Có bệnh phải chữa, bà muốn nó giết người ta rồi vào tù hay không”. Hàng xóm láng giềng thấy căng thẳng nên giúp xong ai cũng về nhà ấy.

Năm 17 tuổi, anh Khía bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn. Đêm dài Khía không ngủ, gào thét. Khía nghỉ học điều trị nhưng không khả quan. Anh ngừng học 2 năm sau đó. Giờ anh quanh quẩn trong nhà vì bác Năm lo ngại con mình ra ngoài sẽ gây chuyện. Cách đây mấy tháng, Khía lao ra đường khiến cả người lái xe và anh bị thương. Thi thoảng Khía lại đập phá đồ, lúc hai bác không chú ý sẽ lao ra ngoài và không biết đường về nhà. Không ít lần hai vợ chồng già phải dầm mưa đi tìm con khắp nơi, lúc thấy con ở trong nhà hoang, lúc lại thấy đang ngồi chơi với lũ trẻ ngoài bãi. Có lần Khía đi xa quá, gia đình phải nhờ chính quyền thông báo trên loa đài khắp nơi để tìm về. Mặc dù gia đình vẫn cho dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế nhưng tình hình không khá lên. Anh Khía dần mất kiểm soát, liên tục gây thương tích cho mình và cho người xung quanh.

Chuyện vừa rồi như một cú sốc đẩy mọi chuyện vào bế tắc. Bà con trong xóm dần xa lánh gia đình bác, họ nói ra nói vào chuyện con bác bị tâm thần. Họ cấm con cái lại gần, người lớn cũng hạn chế nói chuyện vì sợ liên lụy và ngại phản ứng gay gắt của bác gái. Với vợ bác Năm, bệnh viện thần kinh tâm thần là một nơi ám ảnh và con trai bác chưa cần phải vào nơi đó. Trước tất cả những gì xảy ra, vợ bác Năm càng muốn giữ chặt con ở nhà. Bác Năm bất đồng ý kiến với vợ, bác muốn một lần cho con vào điều trị. Gạt bỏ hết sự ngại ngần, tủi hổ, bác Năm giấu vợ đạp xe lên tận nơi điều trị bệnh tâm thần để hỏi thông tin. Trên đường đi bác gặp người bạn cũ, hỏi ra ông ấy cũng đang điều trị cho con mình tại bệnh viện này. Bệnh tâm thần của con ông ấy trước đây nặng không kém gì bệnh của Khía nhà bác Năm, nay đang đỡ dần sau vài kỳ điều trị. Ông say sưa kể cho bác Năm nghe những biểu hiện tiến bộ của con ông hàng tuần, hàng tháng... Bác Năm nghe như nuốt từng lời, trong đầu càng củng cố thêm quyết tâm chữa bệnh cho con. Ông bạn bác Năm quay sang hỏi: “Mà ông làm thủ tục xin giấy xác nhận khuyết tật cho thằng Khía chưa? Ngại gì, phải làm đi để cháu nó được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước chứ. À, nhớ lấy giấy khám bệnh của bệnh viện điều trị về nộp lên xã làm thủ tục xin cái giấy kia đấy. Tôi làm cho thằng con tôi rồi”. Rồi ông tận tình bày cho bác Năm thủ tục nộp hồ sơ lên xã. Nghe xong, bác Năm đã nhận ra con đường mình nên đi để tốt cho con. Trong đầu bác vang lên tiếng nói: “Phen này phải đối mặt với hoàn cảnh thôi, mình sẽ đưa thằng Khía đi bệnh viện, rồi lên xã làm xác định mức độ khuyết tật cho nó. Đời vẫn còn nhiều hy vọng”!


1. Khoản 2,Điều 8. Luật Người khuyết tật (2010), gia đình người khuyết tật có trách nhiệm:

a) Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật;

b) Tạo điều kiện để người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

c) ….

2. Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì các trường hợp không được hưởng BHYT bao gồm: 11. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần. Theo đó, khám giám định pháp y tâm thần không được BHYT chi trả nhưng điều trị bệnh sau đó vẫn thuộc phạm vi bảo hiểm.

3. Thông tư liên tịch 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành. Bệnh tâm thần là một dạng khuyết tật nên người bệnh tâm thần được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của người khuyết tật. Trong đó, người khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng được trợ cấp xã hội từ 405.000 - 945.000đồng/ tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.