Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Cán bộ y tế cắm bản

  • Thực hiện: Thùy Linh
  • 25/05/2018

Thằng Pía bị ma nhập!

Đám trẻ con chạy nháo nhác, như phản xạ tự nhiên, Trung và trưởng bản chạy về phía đám đông. Một đứa bé tầm 5 – 6 tuổi đang co giật trên đất, mắt trợn ngược, miệng sùi bọt mép. Bên cạnh là hai người đàn ông đang cố kìm chặt chân tay đứa bé và một người đàn bà vừa khóc vừa rắc gạo lên người đứa bé. Trưởng bản giải thích: “Thằng Pía mấy hôm trước lên rừng chơi về ngày nào cũng giật đùng đùng như ma nhập”. Trung quan sát đám đông xung quanh, chủ yếu là người già, trẻ em xì xào bàn tán, ánh mắt họ đầy hoảng hốt, lo lắng.  5 năm kể từ ngày Trung, bác sĩ miền xuôi, xin về hỗ trợ cho Trạm y tế của xã vùng cao này, đã không ít lần anh chứng kiến cảnh người dân chữa bệnh bằng trừ tà. Anh có duyên nợ với người dân nơi đây, mảnh đất có 9 dân tộc anh em chung sống và không ít những tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Mọi người tránh ra, có bác sĩ Trung ở đây rồi”, trưởng bản hô lớn.

Đám đông bắt đầu tản ra, hướng về phía bác sĩ, hai người đàn ông cũng buông tay đứng sang một bên. Tiếng xì xào như lớn hơn: “Bác sĩ Trung giỏi lắm, bệnh gì cũng chữa được”, “May quá, hôm nay bác sĩ đi thăm bản”, “Nhưng thằng này nó bị ma nhập, bác sĩ không chữa được đâu”. Trung vẫn nhớ những ngày đầu đến bản, trèo đèo, lội suối lặn lội đi từng thôn, bản, đến từng nhà khuyên người dân đi khám bệnh còn bị bà con đuổi như đuổi tà. Sau bao ngày vất vả, đến hôm nay, bà con khi ốm đau, sinh đẻ đã có ý thức đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh. Đó là chuyển biến lớn. Tuy nhiên, cái nếp sinh hoạt, suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân bao đời nay cũng khó có thể thay đổi hoàn toàn khi gặp cảnh tượng này mà không liên tưởng đến tà ma. Bác sĩ vừa sơ cứu vừa giải thích cho mọi người: “Cháu bị bệnh động kinh, bệnh này chữa được, mọi người đừng lo”. Một lúc sau, các cơn co giật giảm dần, đứa bé tỉnh lại, người phụ nữ rắc gạo chắc là mẹ đứa bé mừng rỡ, cảm ơn Trung rối rít. Trong bà con vẫn còn nhiều người mê tín nhưng thấy Trung chữa khỏi bệnh là họ đã phần nào tin tưởng, bớt hoang mang, dị nghị. Tuy nhiên về chuyên môn thì thâm tâm Trung vẫn còn lo ngại, vì động kinh là một dạng khuyết tật thần kinh – tâm thần, do đó các cơn co giật sẽ tái phát nếu không được điều trị thường xuyên. Việc chăm sóc, sơ cứu không đúng cách có thể sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh. Trở lại Trạm y tế, anh trằn trọc cả đêm không ngủ để suy nghĩ về cách giải thích, thuyết phục gia đình kiên trì chữa trị. Sáng hôm sau, với hộp thuốc chữ thập đeo bên hông đã cứu bao nhiêu người dân từ tay thầy cúng, Trung quyết định ở lại bản dài ngày.

Vừa đến gần nhà Pía, Trung nghe tiếng lao xao, rồi một người quát lớn: "Nó bị ma nhập, tiêm không khỏi đâu, khỏe thì lên nương, ốm thì có thầy cúng nó lo”. Tiếp lời là tiếng đàn ông: “Để cho bác sĩ khám cho nó, hôm qua bác sĩ cứu nó đấy”. Trung vào nhà, mọi người tản ra. Uy tín của anh đủ để mọi người xóa đi nghi ngại. Anh khám cho Pía lần nữa và quyết định ở lại để theo dõi chuyển biến của bệnh và hướng dẫn gia đình sơ cứu khi đứa bé bị co giật. Trung khuyên gia đình xác định mức độ khuyết tật cho Pía để hưởng trợ cấp và thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Một thời gian sau, người trong bản không còn thường xuyên chứng kiến những cơn co giật của Pía mà chỉ thấy bóng dáng hai bố con đều đặn lên Trạm y tế để khám bệnh và nhận thuốc về uống. Câu chuyện ma nhập và những tục chữa bệnh nhờ thầy cúng đuổi ma đã thưa dần ở bản miền núi ấy. 


Luật người khuyết tật 2010 quy định:

“Điều 21. Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú

1. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; hướng dẫn người khuyết tật phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;

b) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật;

c) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn cho người khuyết tật.”

2. Quyết định 1816/QĐ-BYT ban hành ngày 26/05/2008 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”