Chia sẻ niềm tin - Nâng cao vị thế

Xưởng may mơ ước

  • Thực hiện: Phạm Hương Thảo
  • 20/07/2018

Dưới cái nắng chói chang của ngày hè, người ta vẫn thường thấy bóng dáng nhỏ nhắn của Hồng ngồi trên chiếc xe lăn ngoài hiên nhà, hướng đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm. Không ít lần Hồng đã từng ứa nước mắt vì những lời đàm tiếu, châm chọc ác ý từ phía hàng xóm láng giềng: “Chân cẳng thế này thì còn làm ăn được gì nữa…”. Nhưng bản thân Hồng là cô gái nghị lực, không vì những lời gièm pha ấy mà cô có thể từ bỏ ước mơ tạo dựng nên một xưởng may cho riêng mình.

Hồng xưa nay vốn đã khéo thêu thùa, may vá. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hồng khăn gói lên thành phố làm công nhân cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tư nhân, nuôi hy vọng tích cóp được một số tiền kha khá đủ để mở tiệm may gia công tại quê nhà, vừa thỏa mãn niềm đam mê, vừa phụ giúp được ba má cáng đáng kinh tế gia đình. Thế nhưng chưa kịp thực hiện được mong ước ấy thì một tai nạn bất ngờ xảy đến với Hồng, khiến cả đôi chân và cột sống của cô đều bị tổn thương nặng nề không thể đi lại được nữa, mọi sự di chuyển hàng ngày đều phải gắn chặt vào chiếc xe lăn.

Thời gian đầu sau tai nạn, hầu như đêm nào Hồng cũng khóc. Cô sống mặc cảm, khép kín, tinh thần gần như suy sụp vì bỗng chốc chưa thể chấp nhận được sự thật nghiệt ngã ấy. Đó là còn chưa kể những hôm trái gió trở trời, hai chân Hồng tê buốt do những di chứng mà vụ tai nạn để lại khiến cô không thể nào chợp mắt. Ngày Hồng gặp nạn, ba má phải bán đi biết bao nhiêu của nả trong nhà, rồi dồn hết cả vốn liếng mà Hồng gom góp bấy lâu mới đủ để cứu sống được tính mạng và giúp cô phục hồi. Đến nay, mọi thứ đối với Hồng dường như đều quay trở về con số 0 tròn trĩnh. Dù vẫn luôn khao khát được mở xưởng may nhưng chuyện vừa rồi đã kéo mọi nỗ lực của cô rơi vào bế tắc đến tột cùng. Có lẽ nào số phận lại đối xử bất công với cô đến vậy?

Những tưởng phải tạm gác lại ước mơ thì cánh cửa hy vọng chợt mở ra với Hồng. Chập tối hôm đó, bác Năm nhà kế bên sang chơi, ngồi tâm sự: “Lần nào gặp bác cũng thấy ba má cứ khoắc khoải không yên vì chuyện mở xưởng cho con. Người có tay nghề như con mà không làm thì uổng lắm, huống chi con còn trẻ, còn nhiều cơ hội phấn đấu. Thế đã tính đi vay mượn ở đâu chưa?”. Hồng nghẹn ngào: “Giờ mà vay thì biết chừng nào con mới trả được đây? Ba má con phải lao tâm khổ tứ, cả nhà đã cạn tiền vì chữa bệnh cho con rồi”. Rồi bác Năm tiếp lời: “Con có Giấy xác nhận khuyết tật rồi mà, hay con thử qua Ngân hàng chính sách huyện xem sao. Hôm vừa rồi lên chợ bác thấy người ta đang kháo nhau về chuyện vay vốn ưu đãi đối với người có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật để sản xuất kinh doanh. Con bé Trang đầu làng mình còn đang tính lên nhờ Hội Phụ nữ xã hướng dẫn làm thủ tục vay để mở cửa hàng tạp hóa đó”. Hồng chợt nghĩ, tại sao mình không tìm đến cách này nhỉ?  Bất giác, cô quay sang hỏi bác Năm: “Họ cho mình vay nhiều không, lãi suất có cao không bác?”. “Bác nghe loáng thoáng họ nói là được vay tối đa 50 triệu trong 5 năm, lãi suất cho vay hàng tháng thấp lắm, chỉ bằng một nửa so với cho hộ nghèo vay, tính ra mỗi tháng phải trả có 0,275% lãi suất thôi con ạ”. Vừa biết ơn bác Năm, Hồng vừa cảm thấy như có một luồng ánh sáng chiếu qua người. Cô nghĩ thầm: “Thì ra đây chính là hướng đi cho riêng mình, bởi lãi suất thấp như vậy thì với khả năng của mình, xưởng may sẽ không mấy khó khăn để trả được nợ Ngân hàng”. Trong tâm trí cô gái ấy ánh lên niềm hy vọng tràn trề rằng trong tương lai cô có thể tự đứng trên “đôi chân” của mình để thực hiện giấc mơ bao năm ấp ủ!


Mục số 11, 12 Văn bản 3798/NHCS-TDSV hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm quy định hồ sơ vay vốn đối với người khuyết tật có nhu cầu tạo việc làm gồm: (i) Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã về việc cư trú hợp pháp; (ii) Giấy xác nhận khuyết tật do UBND cấp xã cấp.

Nội dung chi tiết xem tại link:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tien-te-Ngan-hang/Huong-dan-3798-NHCS-TDSV-2015-huong-dan-nghiep-vu-cho-vay-ho-tro-tao-viec-lam-303008.aspx